Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh trên cá mú, cách phòng và trị bệnh hiệu quả

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh trên cá mú, cách phòng và trị bệnh hiệu quả

Cá mú là giống cá có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Điều kiện khí hậu ở nước ta có tiềm năng phát triển giống cá này dưới dạng thương phẩm.

Tuy nhiên, dịch bệnh trên cá nuôi những năm gần đây trở thành mối quan tâm của bà con nuôi cá lồng bè trên biển vì gây ra nhiều thiệt hại đáng kể.

Vậy đâu là dấu hiệu để nhận biết cá mú đang mắc bệnh? Làm thế nào để khắc phục nhanh nhất cũng như kỹ thuật phòng bệnh phù hợp để cải thiện hiệu quả nuôi trồng? Hãy xem ngay bài viết dưới đây.

 

Đặc tính sinh trưởng của cá mú ở nước ta

Việt Nam có hơn 1 triệu km² vùng đặc quyền kinh tế, 3.260 km đường bờ biển với nhiều đảo và quần đảo nên có tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá biển, đặc biệt là nhóm cá mú.

Ở Việt Nam, cá mú phân bố dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam. Chúng sống ở các vùng nước ven bờ, cửa sông, quanh các đảo, các rạn đá san hô cho tới vùng biển sâu 70 - 80 m.

Cá mú có thời gian nuôi tương đối dài, trung bình 9 - 12 tháng, dao động trong khoảng 8 - 15 tháng tùy theo kích cỡ cá giống và giá cá thương phẩm.

Từ lúc thả giống kích cỡ trung bình 13 - 17cm/con, với kích cỡ cá dao động từ 9 - 20 cm/con sau 8 - 15 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thu hoạch trung bình là 0,9 - 1kg/con, dao động trong khoảng 0,8 - 1,3 kg/con.

 

Điều kiện nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh trưởng của cá mú

Gần đây khi nghề nuôi phát triển nhanh kéo theo sự tăng nhanh của số lượng lồng bè gây áp lực cho môi trường. Cộng với sự thay đổi khí hậu vùng nuôi biển là điều kiện làm dịch bệnh phát triển và gây thiệt hại cho nghề nuôi cá mú nói riêng và nghề nuôi cá lồng bè nói chung.

Các bệnh do vi khuẩn xuất hiện trong suốt quá trình nuôi với tần số xuất hiện khác nhau và theo xu hướng năm sau nhiều hơn năm trước.

Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn cá giống và thời điểm chuyển giao mùa cho nên cần áp dụng những biện pháp phòng và trị bệnh hiệu quả. Ngoài ra, cần định hướng phát triển và quy hoạch lại vùng nuôi hợp lý để hạn chế dịch bệnh và góp phần phát triển bền vững nghề nuôi.

 

Nhận biết một số bệnh trên cá mú và cách trị

Bệnh trên cá mú tập trung chủ yếu vào các tháng giao mùa (tháng 4 - 5) và ở giai đoạn đầu khi mới bắt đầu thả nuôi (tháng 7 - 9).

Bệnh hầu như xuất hiện quanh năm, chủ yếu tập trung vào tháng 7-11. Cá thả nuôi trong khoảng 1-4 tháng đầu thì thường bị bệnh, nguyên nhân gây ra là do:

  • Cá trong quá trình đánh bắt và vận chuyển bị trầy, xước nên dễ dàng để các tác nhân gây bệnh tấn công;
  • Thời tiết, nhiệt độ, độ mặn làm cho cá bị “sốc” nên mầm bệnh dễ dàng tấn công gây hại;
  • Nguồn nước vùng nuôi bị ô nhiễm do lượng thức ăn dư thừa tích tụ vào lưới nuôi và đáy lưới.
 

Cá mú bệnh do ký sinh trùng:

Dấu hiệu nhận biết:

  • Bệnh sán lá đơn chủ Pseudohabdosynochus sp

Thường bơi lờ đờ trên tầng mặt, nắp mang khép mở, hô hấp chậm chạp. Khi bắt cá lên kiểm tra nhận thấy cá thường có những biểu hiện bất thường, mang bị kênh, lá mang có màu sắc nhợt nhạt.

 

  • Bệnh sán lá đơn chủ Benedenia sp:

Khi cá nuôi bị nhiễm sán với cường độ thấp không có biểu hiện gì khác thường so với cá khoẻ mạnh và rất khó nhận biết vì sán có màu trong, lẫn với màu da cá, chúng thường ký sinh trên da, vây, mắt của cá. Khi cá bị nhiễm với cường độ cao có những biểu hiện triệu chứng khác thường như: Da có màu bợt, cá bơi lội kém linh động, thường bơi sát vào thành lồng, một vài vị trí bị chảy máu.

  • Bệnh do ký sinh trùng quả dưa (Cryptocaryon):

Cơ thể cá có nhiều đốm viêm tấy, cá nằm yên ít vận động, mắt mờ đục, những đốm màu trắng bằng hạt muối xuất hiện trên cơ thể và vây của con cá chủ. Khi các vi sinh vật đã bám vào được, chúng sẽ di chuyển vào sâu trong mang.

Trị bệnh do ký sinh trùng

  • Chuẩn bị dụng cụ

Dụng cụ sử dụng để tắm cá bao gồm: Bể bạt kích thước: (1,5 - 1,8) m * (1,0 - 1,2) m * (0,8 - 1,0) m hay thùng, chậu,…; máy sục khí xách tay và hệ thống dây sục khí 5 - 6 m gồm 4 - 6 quả khí; bình ắc quy; vợt;…

 

  • Chuẩn bị thuốc, hoá chất

- Nước ngọt (không kèm theo hoá chất);

- Formol: 150 - 200 ml/m3 nước biển;

- Ôxy già (H2O2): 100 - 150 ml/m3 nước biển;

- Thuốc tím (KMnO4): 5 - 7 g/m3 nước biển.

 

  • Kỹ thuật tắm cá mú bệnh do ký sinh trùng

- Tắm khi trời mát, sáng sớm hay chiều tối.

- Thao tác chuẩn bị bể bạt tắm cá: Trước khi tắm cần dùng cây gạt để gạt cá gọn sang một bên lồng. Bể bạt được buộc vào phía trong của lưới lồng, phía bên lồng lưới không có cá. Sau đó đổ nước ngọt (nếu tắm bằng nước ngọt) hoặc nước biển tại lồng nuôi đến độ sâu 0,4 - 0,6 m. Lắp đặt hệ thống sục khí với số lượng tối thiểu 4 quả và rải đều ở các vị trí. Pha thuốc, hoá chất với liều lượng trên và tiến hành sục khí trong 5 phút cho thuốc, hoá chất tan đều.

- Dùng vợt, vớt cá chuyển sang bể tắm.

- Trong quá trình tắm cho cá, cần theo dõi hoạt động của cá để kịp thời thả cá ra lồng nuôi.

Sau đây là một số phương pháp tắm ngoại ký sinh trùng:

 

  • Phương pháp tắm bằng ngoại ký sinh trùng nước ngọt:

Tắm bằng nước ngọt là một trong những biện pháp khá hiệu quả trong việc phòng bệnh ngoại ký sinh trùng đối với cá biển. Tắm cá bằng nước ngọt thường không diệt được ký sinh trùng mà chỉ làm ký sinh trùng rời khỏi cơ thể cá.

Thời gian tắm cá bằng nước ngọt từ 10 - 15 phút tuỳ theo sức khoẻ của cá. Chú ý trong quá trình tắm cho cá, việc sử dụng sục khí là hết sức quan trọng vì cá biển quen sống trong môi trường có hàm lượng ôxy hoà tan cao. Nếu hàm lượng ôxy thấp, cá có thể chết rất nhanh.

Khi tắm nước ngọt cho cá biển phải tắm hai lần, lần trước cách lần sau khoảng 24 giờ.

Do việc bắt cá lên tắm thường gây ra sây xát, nên kết hợp với việc sử dụng kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn cơ hội gây bệnh. Các loạt kháng sinh sử dụng tắm kết hợp với nước ngọt bao gồm: Oxytetracycline, Rifamycine,…

 

  • Phương pháp tắm ngoại ký sinh trùng bằng nước ôxy già (H2O2):

Phương pháp này có thể phòng trị một số bệnh ký sinh trùng đơn bào như trùng bánh xe,…

Nồng độ sử dụng là 100 - 150 ml/m3 nước biển.

Thời gian tắm 30 - 60 phút tuỳ thuộc vào sức khoẻ của cá.

Nên tắm hai lần liên tục trong một đợt trị bệnh, mỗi lần cách nhau 2 - 3 ngày.

Sử dụng nước ôxy già có thể kết hợp với formalin 100%. Nồng độ formalin sử dụng kết hợp với ôxy già là 100 ppm (ml/m3 nước biển).

Việc tắm kết hợp của hai loại hoá chất này có hiệu quả hơn trong việc phòng và trị bệnh do tác nhân gây bệnh ký sinh trùng đơn bào.

 

  • Phương pháp tắm ngoại ký sinh trùng bằng formalin (formol):

Tác dụng của formalin có thể trị được một số bệnh ngoại ký sinh trùng gây ra bao gồm bệnh do ký sinh trùng đơn bào và một số loại ký sinh trùng đa bào.

Nồng độ sử dụng là 150 - 200 ml/m3 nước biển. Thời gian tắm thường 25 - 30 phút, tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của cá.

Việc kết hợp tắm formalin với kháng sinh cũng khuyến khích sử dụng. Chú ý đối với phương pháp phòng trị bệnh bằng formalin. Hoá chất này độc đối với cá do chúng có thể tác động đến hệ thần kinh, làm giảm hàm lượng ôxy hoà tan trong nước rất nhanh. Vì vậy, khi tắm cần phải trực tiếp theo dõi tình trạng sức khoẻ của cá để có biện pháp tránh tác dụng phụ như khi thấy cá yếu thì thêm nước nhằm làm giảm nồng độ thuốc. Trong khi tắm phải sục khí mạnh.

 

Cá mú bệnh do nấm

Dấu hiệu nhận biết:

Phát hiện thấy các đám màu trắng có đường kính 2 mm ở các cơ quan bị nhiễm.

 

Trị bệnh do nấm

  • Chuẩn bị dụng cụ

Dụng cụ sử dụng để tắm cá bao gồm: Bể bạt kích thước: (1,5 - 1,8) m * (1,0 - 1,2) m * (0,8 - 1,0) m hay thùng, chậu,…; máy sục khí xách tay và hệ thống dây sục khí 5 - 6 m gồm 4 - 6 quả khí; bình ắc quy; vợt;…

 

  • Chuẩn bị thuốc, hoá chất

- Formalin: Tắm cho cá với nồng độ sử dụng là 150 - 200 ml/m3 nước biển.Thời gian tắm thường 25 - 30 phút, tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của cá.

- Bronopol: Bronopol được cung ứng ra thị trường với các tên thương mại như Pyceze, Onyxide 500,… Nồng độ tắm cho cá 30 mg/m3 nước biển. Thời gian tắm là 15 phút.

- Iodine: Pha thuốc với tỷ lệ 1:20, liều lượng tắm cho cá 1 ml/m3 nước biển.

 

  • Tiến hành tắm cá:

Trong quá trình tắm cho cá, cần đảm bảo cung cấp ôxy cho cá, theo dõi hoạt động của cá để kịp thời chuyển cá ra lồng nuôi.

 

Cá mú bệnh do vi khuẩn

Dấu hiệu nhận biết

Tác nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn, đặc biệt là Vibrio. Ngoài ra, còn một số tác nhân gây bệnh khác như ký sinh trùng, nấm cơ hội và vi khuẩn dạng sợi.

Khi mắc bệnh, trên thân xuất hiện các vết loét tấy đỏ to nhỏ khác nhau, bề mặt da phồng lên và có nhiều nhớt, các vây có thể có xuất huyết và rách nát cụt dần. Mắt đục, lồi, từng vùng trên lưng hoặc toàn bộ thân biến màu tối sẫm. Cá bị bệnh sau 1 - 2 tuần có thể chết rải rác, cũng có lúc chết hàng loạt.

 

Trị bệnh do vi khuẩn

  • Trị bệnh bằng biện pháp cho ăn:

- Các loại kháng sinh sử dụng cho ăn bao gồm Doxycycline và Rifamycine tỷ lệ 1:1.

- Liều lượng sử dụng là 25 - 30 mg/kg cá/ngày. Cho cá ăn liên tục trong 7 ngày.

- Cho ăn thêm vitamin C và hỗn hợp vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.

- Vệ sinh lồng định kỳ.

 

  • Trị bệnh bằng biện pháp tắm thuốc, hoá chất:

- Hoá chất bao gồm: Formalin, triplan và ôxy già; thuốc kháng sinh bao gồm: Rifamycine, Doxycycline, Oxytetracyline.

- Nồng độ: Formalin là 150 - 200 ml/m3 nước biển; Rifamycine và Doxycycline là 3 - 5 mg/m3 nước biển.

 

Cá mú bệnh do vi rút

Dấu hiệu cá mú nhiễm vi rút

Tác nhân gây bệnh thường là do vi rút Betanodavirus hình cầu, đường kính 26 - 32 nm. Vi rút ký sinh trong tế bào chất của tế bào thần kinh trong não và trong võng mạc mắt. Bệnh vi rút gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho cá biển là bệnh VNN (Viral Neural Necropsis - Hoại tử thần kinh do vi rút).

 

Cá bị bệnh thường bơi không định hướng (bơi quay tròn hoặc xoáy trôn ốc), kém ăn hoặc bỏ ăn, thân đen xám, đặc biệt đuôi và các vây chuyển màu đen, mắt đục hoặc bóng hơi phồng ra, não bị xuất huyết.

Cá bệnh hoạt động yếu, đầu treo trên mặt nước hoặc nằm dưới đáy bể, đáy lồng.

Nếu mắc bệnh, cá sẽ chết sau 3 - 5 ngày có dấu hiệu bệnh. Bệnh gây ra chết hàng loạt trên cá
hương và cá giống nhỏ, chết rải rác trên cá lớn (> 150 g).

 

Kỹ thuật phòng bệnh từ vi rút cho cá mú

- Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, không để cho cá sốc vì các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi.

- Thả giống có địa chỉ, đảm bảo không nhiễm bệnh vi rút.

- Cho cá ăn thức ăn dinh dưỡng tốt, không cho thức ăn tươi sống (cần nấu chín).

- Mùa phát bệnh cho ăn thêm vitamin C, liều lượng 20 - 30 mg/kg cá/ngày, mỗi tháng cho ăn một đợt từ 7 - 10 ngày.

 

Tăng sức khỏe cho cá mú khi sử dụng phao lồng bè HDPE

Hiện nay lồng bè HDPE được ứng dụng tại nhiều nước có ngành nuôi trồng phát triển.

Tại nước ta, lồng bè HDPE của SIAM Brothers Việt Nam được ưa chuộng nhờ được làm từ chất liệu HDPE mang đến nhiều ưu điểm ưu việt hơn các vật liệu khác.

 

Chất liệu HDPE nguyên sinh không lẫn tạp chất, không tiết ra hóa chất có hại nên không gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi và không gây hại cho sức khỏe của cá.

Đồng thời, lồng bè HDPE của SIAM Brothers Việt Nam được thiết kế dạng mô-đun gồm nhiều phao ghép lại với nhau nên thời gian lắp đặt ngắn, dễ dàng thay thế, mở rộng khi cần. Đặc biệt là khi cần di dời để tránh trú bão.

Phao lồng bè HDPE cũng rất dễ vệ sinh, chống chịu được những điều kiện nuôi khắc nghiệt nên mang đến độ bền cao và đảm bảo hoạt động tốt trong suốt quá trình nuôi.

 

Bà con đang cần giải pháp nuôi trồng thủy sản hiệu quả hãy liên hệ ngay với SIAM Brothers Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ lắp đặt tận nơi miễn phí nhé!

 

Thông tin tham khảo Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia